Với hơn 13 triệu lượt tải, iCheck hiện là ứng dụng tiêu biểu giúp tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tại Việt Nam. Không dừng lại ở tính năng phát hiện hàng giả, hàng nhái, CEO Vũ Thế Tuấn còn mong muốn đưa iCheck thành một sàn thương mại điện tử với cộng đồng người dùng đông đảo.
Hành trình đẩy lùi hàng giả, hàng nhái
Gặp CEO iCheck Vũ Thế Tuấn trong những ngày đầu tháng Ba mới thấy anh là người rất cởi mở, thoải mái và có phần hài hước, không giống như phong thái trang trọng, uy nghiêm thường thấy ở các nhà lãnh đạo hay các nhà quản lý khác. Sinh năm 1984, chàng cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân Sự năm nào nay đã trở thành CEO của iCheck, ứng dụng truy nguồn gốc sản phẩm thông qua smartphone hiện khá nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu công nghệ.
Ra đời trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái trở thành vấn nạn với người tiêu dùng Việt Nam, Barcode Việt (ra mắt năm 2012, tiền thân của iCheck) là một ứng dụng có tính năng truy xuất thông tin về sản phẩm. 3 năm sau, 2015, câu hỏi đặt ra cho Vũ Thế Tuấn và đội ngũ lập trình là làm thế nào để iCheck khác biệt với Barcode Việt và các sản phẩm khác, khi mà thị trường đã có không dưới 20 ứng dụng có khả năng tương tự. Và để đạt được mục tiêu biến iCheck thành công cụ để người tiêu dùng có thể chủ động đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như đưa ra cảnh báo về nguồn gốc, xuất xứ là điều không phải dễ dàng.
iCheck hiện là ứng dụng tiêu biểu giúp tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tại Việt Nam
“Về cơ bản thì iCheck (hiện là iCheck Scanner & Shopping) cho phép người dùng quét mã vạch (barcode) để phát hiện nguồn gốc, xuất xứ, nhận diện hàng thật, cảnh báo khi phát hiện hàng giả, hàng nhái hoặc sản phẩm có chứa chất độc hại, đang bị thu hồi hoặc cấm lưu hành… Tất cả những điều đó được thực hiện chỉ với thao tác đơn giản là mở ứng dụng iCheck (ứng dụng miễn phí) và quét lên phần mã số, mã vạch của sản phẩm. Trong vòng 2 giây người dùng sẽ nhận được phản hồi đầy đủ về sản phẩm như tên sản phẩm, nơi sản xuất, số mã vạch, địa chỉ, số điện thoại liên hệ…”, CEO và là nhà sáng lập iCheck cho biết.
Dù vây, theo anh Tuấn, nhiều người dùng vẫn lầm tưởng mã vạch, mã số chính là phương tiện để kiểm chứng độ thật, giả của hàng hóa. Thực tế, Barcode hay QR Code thông thường khi quét trên ứng dụng thì chỉ ra đường link chứa thông tin sản phẩm, còn muốn xác định đâu là hàng thật giả thì người dùng sẽ cần mở ứng dụng của iCheck để quét tem chống giả EVS QR Code. Mỗi con tem, được dán trên bao bì hoặc đóng gói chung với sản phẩm, chứa một chuỗi ký tự duy nhất và được đại diện iCheck khẳng định là không thể bị làm giả.
“Thông thường kẻ xấu chỉ sao chép y nguyên phần bao bì được làm đại trà của sản phẩm. Nhưng mỗi sản phẩm lại có một tem chống giả khác nhau, việc sao chép lúc này sẽ gần như bất khả thi vì công sức, kinh phí bỏ ra để làm giả từng QR Code trên mỗi con tem sẽ là vô cùng tốn kém”, Vũ Thế Tuấn nhận định. Cũng theo anh, mỗi con tem này được giới hạn số lần quét nhất định tuỳ phuộc vào từng ngành hàng cụ thể (có thể biến đổi trong khoảng 5-10 lần quét). Chỉ cần số lần quét vượt quá số lượng cho phép, ngay lập tức ứng dụng sẽ cảnh báo về tính xác thực nguồn gốc để người dùng đưa ra những lựa chọn mua hàng sáng suốt.
Tem EVS giúp phân biệt hàng giả, hàng nhái
Ngoài ra, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái ứng dụng sẽ gửi thông tin về vị trí, thời điểm quét để iCheck tiến hành khoanh vùng khu vực nào có tần suất xuất hiện sản phẩm chất lượng kém lớn để thông báo cho doanh nghiệp sản xuất, từ đó phối hợp với các cơ quan chức năng (Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hội chống hàng giả, các chi cục quản lý thị trường…) xử lý.
Và để có cơ sở đánh giá sản phẩm, iCheck đã hợp tác với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (GS1) thuộc Tổng cục Đo lường Chất lượng để có thể sử dụng được nguồn dữ liệu chính thống của hàng triệu sản phẩm đến từ hàng ngàn nhà sản xuất cả trong nước và ngoài nước. Kho dữ liệu này liên tục được hệ thống cập nhật mới, và thậm chí người dùng cũng có thể đóng góp thông tin về sản phẩm, tuy nhiên sau đó iCheck sẽ kiểm chứng đánh giá của người dùng để đảm bảo dữ liệu trên hệ thống chính xác nhất.
Sau 3 năm phát triển, đến nay iCheck đã có hơn 13 triệu lượt tải, mỗi ngày có 12.000 lượt cài đặt mới, số lượng người sử dụng hàng ngày lên tới 150.000 người. Ứng dụng cũng từng nhiều ngày lọt vào Top 10 bảng xếp hạng AppStore Việt Nam và Top 1 Xu hướng Google Play. Dù vậy, Vũ Thế Tuấn vẫn chưa hài lòng về những điều đã làm được, bởi mong muốn của anh là xây dựng iCheck trở thành một cộng đồng thay vì chỉ là một ứng dụng đọc mã vạch thông thường. Nhưng hy vọng cũng là thách thức bởi việc tạo cho người dùng thói quen đánh giá sản phẩm không phải là điều dễ dàng, dù rằng điều này có lợi cho họ.
Hướng tới “scan để mua hàng”
Có thể nói iCheck là ứng dụng tiêu biểu cho công cuộc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam. Nhưng để đạt được những thành công như hiện nay, công ty đã phải vượt qua không ít sóng gió. Bên cạnh những thách thức về mặt kỹ thuật nhằm tối ưu hóa tính năng quét mã vạch QR code, công ty còn phải đối mặt với những khó khăn về mặt nhân sự bởi sự ra đi của các lập trình viên và những người nắm giữ các vị trí quan trọng của dự án iCheck.
Tài chính cũng là một vấn đề lớn với một startup non trẻ như iCheck, những ngày đầu thành lập, vị CEO sinh năm 1984 phải tự bỏ tiền túi để trả lương nhân viên, thuê văn phòng, mua sắm máy móc và mọi vật dụng trong công ty. “Bỏ ra khoảng chục tỷ đầu tư với mình không phải là con số nhỏ, mình bị stress nặng vì những ngày đầu công ty không có doanh thu, ít đối tác do các công ty không biết tới iCheck. Tôi và các đồng nghiệp cũng đã bỏ không ít thời gian để giải thích và thuyết phục các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của mình”, anh Tuấn nhớ lại những ngày đầu khó khăn của iCheck.
CEO iCheck Vũ Thế Tuấn
Trong 2 năm đầu tiên công ty của Tuấn gần như không thu về một đồng nào cả. Nhưng sau đó, iCheck nhận được sự đầu tư và hỗ trợ của quỹ đầu tư Queenbee, cả về mặt tài chính và định hướng phát triển thương hiệu. Hiện công ty với 80 nhân sự (trước đây là 7 người) đã có được nguồn thu từ việc bán tem chống hàng giả EVS, từ doanh nghiệp trả phí duy trì thông tin sản phẩm, nguồn thu từ Affiliate (kinh tế chia sẻ) và sàn thương mại điện tử iCheck Shop.
Làm thương mại điện tử chính là điều mà Vũ Thế Tuấn và các cộng sự đã ấp ủ từ lâu. Và sau một thời gian dài chuẩn bị, iCheck Shop chính thức “lên sàn” và thu hút 5000 gian hàng sau 3 tháng hoạt động. iCheck Shop phân chia sản phẩm thành nhiều hạng mục (như Thời trang, Chăm sóc sắc đẹp, Y tế, Sức khỏe, Thực phẩm, Đồ uống, Nội ngoại thất) và thừa hưởng lợi thế lớn từ lượng khách hàng lên đến hàng triệu người dùng, nhờ việc được tích hợp vào ngay ứng dụng quét hàng giả, hàng nhái iCheck.
Sàn thương mại điện tử iCheck Shop
Dù biết là thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam hiện đang rất khốc liệt, và sẽ rất khó khăn cho một sàn kinh doanh online còn non trẻ như iCheck Shop, nhưng Vũ Thế Tuấn vẫn tự tin cho biết iCheck lựa chọn đương đầu với khó khăn bởi anh tin rằng công ty có giá trị riêng và đủ sức phát triển mảng thương mại điện tử.
“Nhắc đến scan Barcode hay QR Code thì nhiều người sẽ nghĩ ngay tới ứng dụng iCheck. Nhưng bên cạnh việc định danh sản phẩm, người dùng còn có thể scan để mua hàng. Đó là một trải nghiệm khác biệt so với xu thế chung của các sàn thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam”, Vũ Thế Tuấn tự tin chia sẻ về lợi thế của iCheck Shop.
Bên cạnh đó, iCheck Shop cũng tích hợp nhiều tính năng như nhiều trang mua bán online khác như hỗ trợ thanh toán online, thanh toán COD, các chính sách đổi trả hàng, bảo hành, hỗ trợ khiếu nại, thanh chấp… Ngoài các gian hàng online, người mua cũng có thể truy cập vào mục Cộng đồng để xem các sản phẩm được đăng tải theo dòng thời gian, cũng như có thể đánh dấu Thích và Bình luận, Chia sẻ về thông tin sản phẩm. “iCheck Shop được xây dựng và phát triển trở thành mạng xã hội thông tin thương phẩm tạo ra thói quen tiêu dùng thông minh: tra cứu sản phẩm, mua sắm online, cập nhật thông tin và nhiều hơn thế nữa”, vị CEO trẻ cho biết.
G.L
Nguồn: http://vnreview.vn